Văn hóa Vương_quốc_Medang

Xã hội Java cổ phân tầng phức tạp, cộng với sự tinh tế trong nghệ thuậtvăn hóa, được chứng minh bằng hàng loạt cảnh khác nhau ở các phù điêu chạm khắc trên các ngôi đền có niên đại từ thời vương quốc Medang. Vương quốc này đã để lại một số ngôi đền và di tích. Các ngôi đền Hindu Prambanan tráng lệ ở vùng lân cận Yogyakarta được xây dựng dưới thời vua Pikatan và Balitung cai trị là ví dụ rõ ràng của nền nghệ thuật và kiến trúc cổ đại Mataram Medang.

Tổ hợp đền đồ sộ thờ ba vị thần tối cao của đạo Hindu là Shiva, Brahma, Vishnu. Đây là ngôi đền Hindu lớn nhất từng được xây dựng tại Indonesia, bằng chứng về sự giàu có và thành tựu to lớn về văn hóa của vương quốc. Các ngôi đền Hindu khác có niên đại thời Vương quốc Medang gồm Sambisari, Gebang, Barong, Ijo, và đền Morangan.

Trong thời gian từ thế kỷ 9 đến giữa thế kỷ 10 ở vương quốc Medang, nền văn hóa, nghệ thuật và văn học, phát triển rực rỡ. Văn học Medang phát triển chủ yếu chủ yếu nhờ biên dịch các kinh điển của đạo Hindu, đạo Phật, song nó còn có tác dụng truyền tải và giúp tiếp nhận những tư tưởng đạo Hindu và đạo Phật. Các bức phù điêu minh họa sử thi Ramayana của đạo Hindu đã được khắc trên những bức tường của ngôi đền Prambanan. Chính trong thời gian này, Kakawin Ramayana, một phiên bản bằng tiếng Java cổ của Ramayana đã được sáng tác. Tác phẩm Kakawin Ramayana này, cũng được gọi là Yogesvara Ramayana, có lẽ là sáng tác của Yogesvara, một quan lại trong triều đình của Medang vào khoảng thế kỷ 9. Tác phẩm bao gồm 2.774 khổ thơ theo phong cách manipravala, một hỗn hợp của tiếng Phạn và ngôn ngữ văn xuôi tiếng Java cổ xưa. Phiên bản có ảnh hưởng nhất của Ramayana là Ravanavadham của Bhatti, thường được gọi là Bhattikavya. Đây là phiên bản Ramayana bằng tiếng Java cổ khác nguyên mẫu Hindu khá nhiều.

Chiếc bình Wonoboyo bằng vàng được phát hiện vào năm 1990, cho thấy sự thịnh vượng về kinh tế và trình độ cao về nghệ thuật và văn hóa cũng như khiếu thẩm mỹ sâu sắc của vương quốc Medang. Hiện vật này cho thấy năng lực thủ công tinh xảo, khiếu thẩm mỹ và kỹ thuật của thợ kim hoàn Java cổ xưa. Trên bề mặt của các đồng tiền vàng được chạm chữ "ta", viết rút gọn của "tail" hay "tahil" một đơn vị tiền tệ ở Java cổ. Người ta đoán chiếc bình được chế tác vào thời vua Balitung (899-911).[5] Báu vật này là của một quý tộc hoặc một gia đình dòng dõi hoàng tộc.[6]

Tên của vương quốc Medang được nhắc đến trong bia ký bằng đồng Laguna có niên đại 822 Saka (tức năm 900), phát hiện ra tại Manila, Philippines. Việc phát hiện bia ký viết bằng chữ Kawi và một loại tiếng Mã Lai cổ xen lẫn rất nhiều từ vay mượn từ tiếng Phạn và cùng với một vài yếu tố ngôn ngữ không phải Mã Lai mà không rõ là tiếng Java cổ hay tiếng Tagalog cổ, cho thấy người dân hoặc quan lại của vương quốc Medang đã tiến hành các hoạt động ngoại thươngngoại giao với những quốc gia hay lãnh thổ khác trong khu vực xa tới tận Philippines, và từng tồn tại sự liên hệ giữa các vương quốc cổ ở Indonesia và Philippines.